Giá lương thực ở Saigon tăng cao

Trong rổ hàng hóa CPI tháng 4, lương thực có mức tăng mạnh nhất với 6,2% so với tháng 3. Trong 4 tháng đầu năm 2008, mặt hàng này tăng ngất ngưởng 27,03%, thực phẩm tăng 11,64%.

Viện phó Viện Kinh tế TP HCM, ông Đinh Sơn Hùng lý giải, giá đầu vào của các sản phẩm nông nghiệp tăng cao (phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu), do vậy giá cả đầu ra cũng “ăn theo”. Năng suất lao động, vật nuôi, cây trồng trong sản xuất nông nghiệp nước ta còn ở mức thấp cũng góp phần đẩy giá lương thực tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình khủng hoảng lương thực ở Châu Á cũng như thế giới tạo thêm sức bậc cho giá lương thực trong nước đi lên.

  • Một tiểu thương chợ Trần Chánh Chiếu, Quận 5 cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng sau Tết, giá các loại gạo tăng mạnh từ 2.000 đến 3.000 đồng, trong khi những năm trước chỉ tăng có vài trăm đồng nhưng vài tháng mới tăng một lần.
  • Ông Hùng nhận định sắp tới giá lương thực vẫn còn tăng, tuy nhiên diễn biến nhanh hay chậm chưa thể xác định được. Theo Sở Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của TP HCM tăng 1,82% so với tháng 3, đưa CPI 4 tháng đầu năm lên đến 9,15%.
  • Giá xăng dầu tăng cao đã kéo tất cả các mặt hàng khác ảnh hưởng theo. Nhóm giao thông, bưu chính viễn thông có mức tăng cao thứ hai (2,5%) sau lương thực. Nguyên nhân do giá cước taxi, vận tải đã có sự điều chỉnh trong thời gian qua.
  • Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,07% so với tháng 3 do chi phí giá thành sản phẩm tăng đã nâng mặt bằng giá nhóm này.
  • Các nhóm hàng khác có mức tăng nhẹ từ 0,1 – 1,4%: thuốc và dịch vụ y tế, thiết bị và đồ dùng gia đình…

Văn hóa, giải trí và du lịch tăng nhẹ 0,43%. Tuy nhiên, dự báo vào tháng 5, nhóm này sẽ tăng cao do nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân trong dịp giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4, 1/5. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, người dân nên tiết kiệm trong chi tiêu, doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu trong bối cảnh hiện nay.

Leave a comment